Tìm kiếm tin tức
ĐỀ CƯƠNG LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ
Ngày cập nhật 31/05/2024
Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 22/6/2023; Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 07/2023/L-CTN ngày 03/7/2023; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 (trừ một số trường hợp quy định chuyển tiếp) và thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29/11/2005 (viết tắt là Luật giao dịch điện tử năm 2005) đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

 Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cho thấy bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung, cụ thể:  

Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 không áp dụng đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, các ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh áp dụng cho dịch vụ công trực tuyến cũng như nhiều hoạt động giao dịch điện tử khác trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

 Thứ hai, cũng tại Luật này, các quy định về danh tính số, xác thực điện tử chưa được ghi nhận, trong khi nhu cầu về xác minh các bên tham gia giao dịch điện tử là rất bức thiết. Giống như xác thực điện tử, quy định về chuyển đổi hình thức văn bản giấy và thông điệp dữ liệu chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý.  

Thứ ba, các quy định về hợp đồng điện tử trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 còn thiếu quy định mang tính chất đặc thù trong hợp đồng điện tử như quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết qua hệ thống thông tin tự động.  

Thứ tư, các quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã có, nhưng cần phải bổ sung các quy định cụ thể như các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, các hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử, các chính sách hỗ trợ Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước… để bảo đảm các hoạt động của cơ quan nhà nước được ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm công tác: quản trị nội bộ, chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công, giám sát, kiểm tra, thanh tra.

 Thứ năm, một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu chưa đồng bộ với một số nội dung về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018 và chưa được cụ thể hóa để bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trong giao dịch điện tử, do vậy, cần cụ thể hóa nội dung này trong dự thảo Luật.  

Thứ sáu, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử nhưng chưa được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005.  

Thực tế đã có một số văn bản dưới luật quy định liên quan đến nội dung này nhưng chưa được luật hóa như nền tảng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử…Việc loại trừ này có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đang bị loại trừ.  

Thực trạng trên cho thấy cần thiết sửa đổi, bổ sung, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005, nhằm:

- Tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia; khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005;

 - Khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực;  

- Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giao dịch điện tử cho phù hợp với tình hình mới, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 22/6/2023).

II. BỐ CỤC CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 (sau đây viết tắt là Luật năm 2023) gồm có 8 chương, 53 điều, trong đó kế thừa có sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (sau đây viết tắt là Luật năm 2005), cụ thể:

1. Chương I: Những quy định chung, gồm 06 điều (từ Điều 1 đến Điều 6), quy định về: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Đối tượng áp dụng; (3) Giải thích từ ngữ; (4) Chính sách phát triển giao dịch điện tử; (5) Bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng trong giao dịch điện tử; (6) Các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử.

2. Chương II: Thông điệp dữ liệu, gồm 15 điều (từ Điều 7 đến Điều 21) - Mục 1: Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu: gồm 07 điều (từ Điều 7 đến Điều 13), quy định về: (1) Hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu; (2) Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; (3) Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản; (4) Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc; (5) Thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ; (6) Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; (7) Hình thức lưu trữ thông điệp dữ liệu. - Mục 2: Gửi, nhận thông điệp dữ liệu: gồm 05 điều (từ Điều 14 đến Điều 18), quy định về: (1) Người khởi tạo thông điệp dữ liệu; (2) Thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu; (3) Nhận thông điệp dữ liệu; (4) Thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu; (5) Gửi, nhận tự động thông điệp dữ liệu. - Mục 3: Chứng thư điện tử: gồm 03 điều (từ Điều 19 đến Điều 21), quy định về: (1) Giá trị pháp lý của chứng thư điện tử; (2) Chuyển giao chứng thư điện tử; (3) Yêu cầu đối với lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử.

3. Chương III: Chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, gồm 12 điều (từ Điều 22 đến Điều 33).  - Mục 1: Chữ ký điện tử: gồm 06 điều (từ Điều 22 đến Điều 27), quy định về: (1) Chữ ký điện tử; (2) Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử; (3) Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; (4) Sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn; (5) Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài; (6) Chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế. - Mục 2: Dịch vụ tin cậy: gồm 06 điều (từ Điều 28 đến Điều 33), quy định về: (1) Dịch vụ tin cậy; (2) Điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy; (3) Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy; (4) Dịch vụ cấp dấu thời gian; (5) Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu; (6) Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

4. Chương IV: Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, gồm 05 điều (từ Điều 34 đến Điều 38), quy định về: (1) Hợp đồng điện tử; (2) Giao kết hợp đồng điện tử; (3) Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; (4) Việc nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; (5) Giá trị pháp lý của thông báo trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

5. Chương V: Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, gồm 06 điều (từ Điều 39 đến Điều 44), quy định về: (1) Các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; (2) Quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung; (3)Tạo lập, thu thập dữ liệu; (4) Kết nối, chia sẻ dữ liệu; (5) Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước; (6) Hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử.

6. Chương VI: Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, gồm 04 điều (từ Điều 45 đến Điều 48), quy định về: (1) Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; (2) Tài khoản giao dịch điện tử; (3) Trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; (4) Báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

7. Chương VII: Quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, gồm 02 điều (Điều 49 và Điều 50), quy định về: (1) Nội dung quản lý nhà nước về giao dịch điện tử; (2) Trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

8. Chương VIII: Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 51 đến Điều 53), quy định về: (1) Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan; (2) Hiệu lực thi hành; (3) Quy định chuyển tiếp.

III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ

1. Những quy định chung

1.1. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. Luật không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.

Luật năm 2023 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, theo đó luật khác có quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2023.

1.2. Giải thích từ ngữ (Điều 3) Luật năm 2023 giải thích 17 từ ngữ, trong đó đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung một số khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký số”, “dấu thời gian”, “hợp đồng điện tử”, “dữ liệu số”, “dữ liệu chủ”, “môi trường điện tử”, “chứng thư điện tử”, “dịch vụ chứng thực chữ ký số”, “người trung gian”...

1.3. Bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng trong giao dịch điện tử (Điều 4)

Luật quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về an toàn thông tin mạng, pháp luật về an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan khi thực hiện giao dịch điện tử. Thông tin trong thông điệp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật về cơ yếu.

1.4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử (Điều 6) Luật quy định chi tiết cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ luật, cụ thể là các hành vi bị nghiêm cấm sau:

(1) Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

(2) Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử. (3) Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.

(4) Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.

(5) Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

(6) Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.

(7) Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.

(8) Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

2. Thông điệp dữ liệu

2.1. Giá trị pháp lý của Thông điệp dữ liệu

Luật năm 2023 quy định cụ thể về: (1) Hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu (Điều 7), thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức văn bản điện tử, tài liệu điện tử, chứng thư điện tử, chứng từ điện tử, hợp đồng điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và hình thức trao đổi dữ liệu điện tử khác theo quy định của pháp luật; (2) Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu (Điều 8), thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu; (3) Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, như bản gốc, có giá trị dùng làm chứng cứ (Điều 9, Điều 10, Điều 11); (4) Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu (Điều 12); (5) Hình thức lưu trữ thông điệp dữ liệu (Điều 13).

2.2. Gửi, nhận thông điệp dữ liệu

- Người khởi tạo thông điệp dữ liệu (Điều 14): là cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo hoặc gửi một thông điệp dữ liệu trước khi thông điệp dữ liệu đó được lưu trữ nhưng không bao gồm người trung gian chuyển thông điệp dữ liệu.

- Thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu (Điều 15): Trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

+ Thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu đó rời khỏi hệ thống thông tin dưới sự kiểm soát của người khởi tạo hoặc người đại diện của người khởi tạo. Trường hợp hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo hoặc người đại diện của người khởi tạo, thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin.

+ Ở bất kỳ địa điểm nào thông điệp dữ liệu được gửi thì địa điểm gửi thông điệp dữ liệu vẫn được coi là trụ sở của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cá nhân. Trường hợp người khởi tạo có nhiều trụ sở thì địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở chính hoặc trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.

- Nhận thông điệp dữ liệu (Điều 16): Người nhận thông điệp dữ liệu là cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc người đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó được chỉ định nhận thông điệp dữ liệu từ người khởi tạo thông điệp dữ liệu nhưng không bao gồm người trung gian chuyển thông điệp dữ liệu.

- Thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu (Điều 17): Trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu được quy định như sau: + Trường hợp người nhận đã chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định và có thể truy cập được; nếu người nhận không chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu đó nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận và có thể truy cập được.

+ Ở bất kỳ địa điểm nào thông điệp dữ liệu được nhận thì địa điểm nhận thông điệp dữ liệu vẫn được coi là trụ sở của người nhận nếu người nhận là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú của người nhận nếu người nhận là cá nhân. Trường hợp người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở chính hoặc trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.

2.3. Giá trị pháp lý của chứng thư điện tử (Điều 19): Thông tin trong chứng thư điện tử có giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

+ Chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức phát hành theo quy định của Luật năm 2023.

+ Thông tin trong chứng thư điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh.

+ Trường hợp pháp luật yêu cầu chỉ ra thời gian liên quan đến chứng thư điện tử thì chứng thư điện tử phải có dấu thời gian.

3. Chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy (Chương III)

- Về chữ ký điện tử, Luật năm 2023 cơ bản không thay đổi về nguyên tắc so với Luật năm 2005, chỉ khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số, chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng. Luật năm 2023 cũng góp phần giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của các loại hình chữ ký điện tử, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm triển khai giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên không gian mạng.

- Về dịch vụ tin cậy, Luật năm 2023 quy định về dịch vụ tin cậy, trong đó ngoài dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử (dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng) và dịch vụ cấp dấu thời gian đã có và được triển khai trên thực tế, Luật bổ sung thêm dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu.

4. Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử (Chương IV)

Luật năm 2023 quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, việc nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Luật năm 2023 bổ sung quy định về hợp đồng được ký kết thông qua hệ thống thông tin tự động, cơ bản sẽ giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, cập nhật với tính sẵn sàng của công nghệ và thực tiễn triển khai trong nước và quốc tế, bảo đảm triển khai giao dịch hợp đồng điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên môi trường mạng. 
 
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thực hiện hợp đồng điện tử, Luật năm 2023 quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

5. Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước (Chương V)

Luật năm 2023 quy định cụ thể về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, trong đó bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.  

Các nội dung của Chương này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân, tháo gỡ các vướng mắc về các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường mạng với giải pháp khả thi để thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước.

 6. Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử (Chương VI) Luật năm 2023 quy định về các loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, trách nhiệm giám sát của cơ quan nhà nước và biện pháp bảo vệ giao dịch điện tử. Các quy định này là cơ sở để tăng cường quản lý nhà nước trong giao dịch điện tử, thực hiện việc giám sát đối với các nhà cung cấp nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử để bảo đảm quyền lợi người sử dụng, bảo đảm hoạt động giao dịch điện tử diễn ra an toàn, tin cậy.

7. Quản lý nhà nước về giao dịch điện tử (Chương VII) Luật quy định 09 nội dung quản lý nhà nước về giao dịch điện tử (Điều 49); vể trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử (Điều 50), theo đó Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giao dịch điện tử. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.  

8. Điều khoản thi hành (Chương VIII) 
8.1. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan (Điều 51) - Sửa đổi, bổ sung mục 119 thuộc Phụ lục IV - Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 72/2020/QH14, Luật số 03/2022/QH15, Luật số 05/2022/QH15, Luật số 08/2022/QH15 và Luật số 09/2022/QH15, thay danh mục “Kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số” bằng “Kinh doanh dịch vụ tin cậy”.

- Sửa đổi, bổ sung mục 7 thuộc Phần VI - Phí thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông trong Danh mục Phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2017/QH14, Luật số 23/2018/QH14, Luật số 72/2020/QH14 và Luật số 16/2023/QH15, thay danh mục “Phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số” bằng danh mục “Phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số”.

- Thay thế cụm từ “hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng” bằng cụm từ “hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ” tại khoản 3 Điều 19 của Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2019/QH14.

- Bãi bỏ Điều 58 và Điều 59 của Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14.

8.2. Hiệu lực thi hành (Điều 52)

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024

8.3. Quy định chuyển tiếp (Điều 53)

- Giao dịch điện tử được xác lập trước ngày 01/7/2024 và đến ngày 01/7/2024 chưa thực hiện xong thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11, trừ trường hợp các bên thỏa thuận áp dụng quy định của Luật năm 2023.

Chứng thư số được cấp trước ngày 01/7/2023 và đến ngày 01/7/2023 vẫn còn hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 đến hết thời hạn của chứng thư số và có giá trị tương đương chứng thư chữ ký số theo quy định của Luật năm 2023. 
- Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, Giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài tại Việt Nam, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng, Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng đã được cấp trước ngày 01/7/2023 và đến ngày 01/7/2023 vẫn còn hiệu lực thì được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn của giấy phép, giấy chứng nhận.

Việc cấp chứng thư số theo giấy phép, giấy chứng nhận được thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11.

- Đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, Giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài tại Việt Nam, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng, Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng đã nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đến ngày 01/7/2023 chưa được cấp giấy phép, giấy chứng nhận thì được tiếp tục áp dụng quy định của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11.

- Xác nhận đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại đã được cấp trước ngày 01/7/2023 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2027.

- Đối với hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại đã nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa được xác nhận đăng ký thì được tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

- Chính phủ quy định chi tiết Điều này./. 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 15