Tìm kiếm tin tức
Đề cương tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022
Ngày cập nhật 28/04/2023
Ngày 14 tháng 11 năm 2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 với 465 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật, chiếm 93,37%.

Đề cương tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 gồm có 2 phần: Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Phần 2. Những nội cơ bản và điểm mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022

 

Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc cũng như sự nghiêm túc, chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế đã tham gia.

Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều địa phương tổ chức triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình sáng tạo, năng động, phát huy hiệu quả tốt cũng như huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Dữ liệu thống kê, nghiên cứu về bạo lực gia đình do các cơ quan, tổ chức thực hiện cho thấy những bức tranh hết sức phức tạp, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh thành, trong giai đoạn 2009 – 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Trong giai đoạn này, số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm: năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 19.274 vụ trong năm 2015 và 4.967 vụ trong năm 2021. Trong khi đó, Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012). So với số liệu của cuộc Điều tra được thực hiện năm 2009 thì số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam còn tăng lên[1].

Nghiên cứu về bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu gia đình và Giới thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng bất kỳ hình thức nào như đánh, đấm, đạp, tát… và 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực. Đáng chú ý, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình, theo đó trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại. Cũng theo nghiên cứu này, bạo lực gia đình với người cao tuổi diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Các hành vi bạo lực với người cao tuổi như “bỏ mặc không quan tâm về tình cảm” chiếm 10,2%, “không quan tâm, chăm sóc ăn uống, thuốc men” chiếm 8,5% bên cạnh các hành vi khác như bị ép buộc lao động, bị tranh giành tài sản thừa kế, bị đập phá tài sản, tịch thu tiền, bị coi thường, sỉ nhục, quát mắng, dọa nạt[2].

Bạo lực gia đình cũng được xem là một trong những tác nhân chính làm tan vỡ hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Từ ngày 01/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn). Báo cáo của ngành Tư pháp cho thấy chỉ riêng năm 2014 tiếp nhận hòa giải 31.528 vụ việc bạo lực gia đình, năm 2015 là 33.966 vụ.

Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình. Điều này một phần xuất phát từ công tác tổ chức, triển khai thực hiện của các địa phương, song cũng do Luật hiện hành còn thiếu các nội dung, chính sách, quy định phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần phải được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Phần 2. Những nội cơ bản và điểm mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022

 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 gồm 6 chương, 56 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

 

Anh Hùng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 11